Dùng thuốc nhỏ mắt như thế nào là đúng cách?

Trong thời đại phát triển công nghệ, các bệnh lý về mắt ngày càng gia tăng. Và việc sử dụng thuốc nhỏ mắt để điều trị và dự phòng các tình trạng này cũng rất phổ biến. Sau đây FSEC sẽ chia sẻ với bạn các thông tin cơ bản về thuốc nhỏ mắt và quy trình nhỏ thuốc chuẩn. 

Tìm hiểu một số đặc điểm cơ bản về thuốc nhỏ mắt

Thuốc nhỏ mắt là gì?

Thuốc nhỏ mắt là một dung dịch các loại dược liệu được pha với nước cất theo tỉ lệ nhất định và yêu cầu rất nghiêm ngặt để đảm bảo tính vô khuẩn và đem đến tác dụng hiệu quả để điều trị, giải quyết các vấn đề mà mắt đang gặp phải. 

Thuốc nhỏ mắt còn có thể được sản xuất từ các dung dịch dầu. Tùy theo các mục đích điều trị mà thuốc nhỏ mắt có thể chứa steroid, thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm không steroid, thần kinh giao cảm,… hoặc chỉ chứa các thành phần cấu tạo nên nước mắt nhân tạo. 

Thuoc-nho-mat-co-tinh-chat-vo-khuan

Thuốc nhỏ mắt có tính chất vô khuẩn

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại thuốc nhỏ mắt tùy vào mục đích, nhu cầu sử dụng. Dưới đây là một số loại điển hình, được phân chia theo tác dụng dược lý và để điều trị từng nhóm bệnh.

  • Nhóm thuốc gây giãn đồng tử: Công dụng của nhóm thuốc này là làm giãn đồng tử trước khi khám mắt hoặc trước và sau khi phẫu thuật mắt. Điển hình là: Homatropine hydrobromid, Tropicamide,…;
  • Nhóm thuốc gây co đồng tử: Công dụng chung là gây co đồng tử, hạ nhãn áp,… Pilocarpin, Carbachol,… là các thuốc được sử dụng trong điều trị tăng nhãn áp;
  • Nhóm thuốc nhỏ mắt hỗ trợ kiểm soát cận thị: Thuốc nhỏ mắt V.Rohto Vitamin: giúp cải thiện thị lực, “sáng mắt”, phòng và điều trị khô mắt. Thuốc nhỏ mắt Eyelight cool: có tác dụng làm mát, giữ ẩm cho mắt, ngăn một số triệu chứng như nhức mỏi, khô mắt, giúp hạn chế tiển triển của cận thị.
Thuoc-nho-mat-V.Rohto-Vitamin

Hình ảnh vỏ thuốc nhỏ mắt V.rohto

  • Nhóm thuốc nhỏ mắt trị khô mắt: cung cấp độ ấm cho mắt, giúp mắt được thư giãn, giảm khô mắt… Một số thuốc dùng khi khô mắt: V. Rohto Dry Eye, Systane Ultra,…;
  • Nhóm thuốc trị nhiễm khuẩn: có công dụng là diệt khuẩn hoặc kìm khuẩn để các bệnh lý viêm nhiễm tại mắt như đau mắt đỏ, viêm loét giác mạc, dị vật,… Ví dụ như: Tobrex, Cravit,…;
  • Nhóm thuốc nhỏ mắt kháng viêm: có 2 dạng là thuốc nhỏ mắt chứa corticoid và thuốc nhỏ mắt chống viêm không chứa steroid, có chức năng giảm viêm, điều trị viêm nhiễm do virus, viêm màng bồ đào,… Một số thuốc chống viêm chứa corticoid như Polydexa, Neodex,… Thuốc chống viêm không có Steroid phổ biến như Cromoglycate, Diclofenac,…

Thuốc nhỏ mắt có tác dụng gì?

Thực tế, thuốc nhỏ mắt có rất nhiều công dụng, để điều trị bệnh, hỗ trợ điều trị bệnh hoặc để dự phòng,… Dưới đây là một số trường hợp điển hình cần dùng thuốc nhỏ mắt: 

  • Chống khô mắt: Một số sản phẩm được bày bán trên thị trường Việt Nam hiện nay có tác dụng tốt chống lại các hiện tượng khô mắt, nhức mắt, mỏi mắt dành cho những người thường xuyên phải học tập, làm việc với máy tính hoặc các thiết bị điện tử khác trong thời gian dài;
  • Kháng khuẩn: Các loại thuốc này có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn hoặc kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn trong trường hợp mắt bị viêm nhiễm như: đau mắt đỏ, viêm bờ mi, viêm giác mạc,… hoặc để dự phòng nhiễm khuẩn mắt khi phẫu thuật mắt;
  • Điều trị các bất thường về mắt do một số bệnh lý hệ thống gây nên như: Hội chứng Sjogren, hội chứng Steven-Johnson,…Chúng thường gây nên tình trạng viêm kết mạc ở cả 2 mắt, khô mắt, làm giảm tiết nước mắt ở tuyến lệ, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, hiệu suất làm việc;
  • Điều trị các xung huyết ở giác mạc gây đỏ mắt, ngứa rát, kích ứng mắt như trong dị ứng mắt. 
  • Các trường hợp cần hạ nhãn áp bằng cách giảm chế tiết thuỷ dịch hay tăng cường lưu thông. Bệnh lý điển hình là Glôcôm;
  • Giúp hạn chế những tác động xấu đến giác mạc, kết mạc,… do việc thường xuyên phải đeo kính áp tròng gây ra, giúp bảo vệ toàn diện đôi mắt.

Dùng thuốc nhỏ mắt như thế nào là đúng cách?

Chuẩn bị trước khi sử dụng

Bên cạnh việc tuân thủ đúng liều lượng và hướng dẫn sử dụng, bạn cần lưu ý:

  • Kiểm tra hạn sử dụng và trạng thái của lọ thuốc;
  • Rửa tay kỹ trước khi thực hiện nhỏ mắt;
  • Nếu đang đeo kính áp tròng cần tháo ra trước khi nhỏ mắt;
  • Chú ý khoảng cách dùng thuốc trong trường hợp dùng nhiều loại thuốc cùng lúc: thông thường sau khi nhỏ loại thuốc thứ nhất, nên chờ khoảng 5 đến 10 phút trước khi nhỏ từng loại thuốc khác.

Thao tác sử dụng

  • Ngồi ngửa đầu ra phía sau hoặc nằm xuống;
  • Kéo nhẹ nhàng mi dưới xuống dưới, hơi ra ngoài để tạo túi nhỏ giữa mí mắt và giác mạc;
  • Ấn nhẹ vào thân lọ thuốc nhỏ từ từ từng giọt, liều lượng cần tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ, tránh không chạm vào mắt;
  • Chớp mắt vài lần;
  • Lặp lại các bước trên ở mắt còn lại.

Lưu ý sau khi nhỏ thuốc

Ve-sinh-tay-sach-se-giam-nguy-co-lay-dau-mat-do

Rửa sạch tay sau khi nhỏ thuốc

  • Vặn chặt nắp lọ thuốc, bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát;
  • Rửa sạch tay sau khi nhỏ thuốc.

Các lỗi sai thường gặp khi sử dụng thuốc nhỏ mắt

Các sai lầm thường gặp khi sử dụng thuốc nhỏ mắt mà bạn cần lưu ý để phòng tránh:

  • Tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt không theo đơn của bác sĩ;
  • Sử dụng quá thời hạn tính từ ngày mở nắp;
  • Chạm đầu lọ thuốc vào mắt, tay hoặc các vật xung quanh;
  • Dùng chung một lọ thuốc cho nhiều người.

Lợi ích của việc sử dụng thuốc nhỏ mắt đúng cách

Dung-thuoc-nho-mat-han-che-viem-nhiem

Dùng thuốc nhỏ mắt hạn chế viêm nhiễm

Việc biết cách nhỏ mắt đúng tưởng chừng đơn giản nhưng lại là vấn đề rất quan trọng. Nếu đảm bảo đúng quy trình sẽ giúp bạn đạt được nhiều lợi ích:

  • Tăng hiệu quả điều trị của thuốc;
  • Giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng;
  • Giảm thiểu tương tác thuốc.

Trên đây là một số thông tin hữu ích mà FSEC muốn chia sẻ với bạn về cách sử dụng thuốc nhỏ mắt. Việc thực hiện đúng quy trình các bước trước, trong và sau khi nhỏ thuốc để đảm bảo hiệu quả điều trị và đạt an toàn tối đa. Ngoài ra, nếu bạn hoặc người thân đang có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào tại mắt, hãy gọi theo hotline 0334141213 để đặt lịch khám và xin tư vấn từ các chuyên gia Nhãn khoa đầu ngành tại FSEC nhé!