Bị khô mắt có làm tăng độ cận không?

Cận thị là tật khúc xạ phổ biến, làm tăng nguy cơ mất thị lực ở mọi lứa tuổi. Vì vậy, việc loại bỏ các yếu tố làm tăng độ cận là rất quan trọng. Nhiều người thắc mắc bị khô mắt có làm tăng độ cận không? Câu trả lời được FSEC đưa ra ở bài viết dưới đây nhé!

Mối quan hệ giữa bệnh khô mắt và cận thị là gì?

Khô mắt là gì? 

Khô mắt là tình trạng số lượng nước mắt bị giảm đi và/hoặc chất lượng của nước mắt không tốt, dẫn tới các triệu chứng như: đỏ mắt, nhức mỏi mắt, ngứa mắt, cộm, cảm giác như có dị vật trong mắt hoặc có thể gây suy giảm thị lực, thậm chí là các tổn thương giác mạc hoặc viêm nhiễm tại mắt.

Trieu-chung-kho-mat

Triệu chứng khô mắt là đỏ, ngứa và mỏi mắt

Khô mắt thường có tỷ lệ cao hơn ở người cao tuổi nhưng hiện nay tình trạng sử dụng thường xuyên các thiết bị kỹ thuật số ngày càng tăng, vì vậy thế hệ trẻ cũng đang có khả năng bị khô mắt nhiều hơn. Bởi vì khi nhìn chăm chú vào màn hình máy tính, điện thoại di động,… trong thời gian dài sẽ làm giảm tần số chớp mắt trong một phút, khiến chúng ta dễ bị khô mắt hơn. 

Cận thị là gì?

Cận thị (myopia) là tật khúc xạ phổ biến làm cho người bệnh khó khăn để nhìn các vật ở xa nhưng lại nhìn rõ các vật ở gần. Cận thị có thể do trục nhãn cầu bị dài ra hoặc do công suất hội tụ của quang hệ mắt giảm, làm ảnh không hội tụ đúng tại võng mạc mà hội tụ phía trước võng mạc. 

Có nhiều yếu tố nguy cơ gây tỷ lệ mắc cận thị tăng cao. Trong thời đại công nghệ số hiện nay, việc sử dụng thiết bị điện tử để học tập hay giải trí là rất phổ biến. Những người phải làm việc ở khoảng cách gần nhiều hoặc thường xuyên sử dụng máy tính, điện thoại, ipad,… trong thời gian dài không chỉ dễ bị khô mắt mà còn làm tăng nguy cơ mắc tật khúc xạ cận thị. 

Mối quan hệ giữa khô mắt và cận thị

Những nghiên cứu của tiến sĩ O.I.Hirayama và các cộng sự đã chứng minh rằng: những thanh thiếu niên có cận thị cao, hầu hết đều bị khô mắt. 

Cụ thể, tình trạng bị khô mắt có liên quan đáng kể đến độ dày của củng mạc và độ dài trục nhãn cầu (đây là các yếu tố làm tăng độ cận). Do hệ thần kinh phó giao cảm có ảnh hưởng đồng thời đến cả tuyến lệ và độ dày của củng mạc, vì vậy khi bị cận thị sẽ có tần suất bị khô mắt nhiều hơn.

Can-thi-khien-mat-de-bi-kho-hon

Cận thị có thể khiến mắt dễ bị khô hơn

Khô mắt làm tăng độ cận có thật không?

Bình thường, giác mạc là một bộ phận mỏng, trong suốt ở phía trước của nhãn cầu. Chúng ta có thể nhìn rõ các vật là do giác mạc có tính chất trong suốt và có độ cong đều đặn từ trung tâm ra ngoại vi.

Tình trạng khô mắt làm ảnh hưởng đến sự đều đặn của bề mặt giác mạc, từ đó có thể dẫn tới tăng quang sai của mắt, gây nhìn mờ nhiều hơn. Tuy nhiên tình trạng suy giảm thị lực này thường chỉ là tạm thời và sẽ được cải thiện khi khô mắt được phát hiện sớm và có các biện pháp xử lý, chăm sóc mắt kịp thời. Như vật, khi bị khô mắt thường không phải là yếu tố làm tăng độ cận thị.

Kho-mat-khong-lam-tang-do-can

Khô mắt không có nguy cơ làm tăng độ cận

Thực tế, mắt khô thường dẫn đến loạn thị hơn là cận thị. Về mặt định nghĩa, loạn thị là tật khúc xạ xuất hiện khi giác mạc bị thay đổi hình dạng dẫn tới độ cong giác mạc không còn đồng đều như bình thường. 

Khi đó, các tia sáng đi vào mắt không hội tụ tại một điểm trên võng mạc mà khuếch tán thành nhiều điểm khác nhau, gây nhìn mờ, hình ảnh bị nhòe hoặc méo mó, kể cả khi nhìn xa hay gần. Bởi vì khô mắt cũng là một yếu tố gây ảnh hưởng đến bề mặt giác mạc, do đó khi bị khô mắt làm gia tăng nguy cơ mắc loạn thị.

Tình trạng mắt bị khô và tật khúc xạ cận thị có nhiều yếu tố nguy cơ tương đồng như đã nêu ở trên, chứ không phải khô mắt làm tăng độ cận. Thực tế là do một số thói quen sinh hoạt, học tập chưa phù hợp cũng như không áp dụng các biện pháp chăm sóc, bảo vệ mắt mà có thể dẫn tới đồng thời cả 2 tình trạng này. 

FSEC hi vọng các thông tin trong bài viết trên đây thực sự hữu ích để giúp bạn trả lời câu hỏi “Bị khô mắt có làm tăng độ cận không?”. Ngoài ra, nếu bạn đang mắc bất kỳ biểu hiện nào của khô mắt hay cận thị, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn, hỗ trợ nhé. FSEC với đội ngũ y bác sĩ và chuyên gia Nhãn khoa đầu ngành luôn đồng hành cùng bạn.