Dừng atropin trong kiểm soát cận thị như thế nào thì hợp lý ?

Dừng atropin trong kiểm soát cận thị như thế nào thì hợp lý ?

Atropin nồng độ thấp là phương pháp được sử dụng nhiều nhất trong kiểm soát cận thị. Tuy nhiên hiệu ứng đảo ngược – hiện tượng tăng độ trở lại sau khi dừng atropin –  là yếu tố ảnh hưởng rất nhiều đến chỉ định và phác đồ sử dụng atropin.

Dung-atropin-trong-kiem-soat-can-thi

Hiệu ứng đảo ngược khi dừng nhỏ Atropin

Hiện tại phác  đồ sử dụng Atropin ưu tiên sử dụng nồng độ cao và hạ dần xuống nồng độ thấp, sau đó dừng thuốc sau khi độ cận của trẻ ổn định.

Vậy tại sao chúng ta lại không dừng thuốc ngay khi độ cận của trẻ đã ổn mà lại hạ dần nồng độ? Trong nghiên cứu LAMP, giai đoạn 3 của nghiên cứu cho thấy nồng độ thuốc càng thấp, độ tuổi ngừng thuốc càng cao thì hiệu ứng đảo ngược cũng ít hơn (1)

Đây cũng là gợi mở để chúng ta hoàn thiện hơn phác đồ sử dụng atropin nồng độ thấp trong điều trị ở trẻ. 

Và để làm rõ hơn việc ngừng thuốc ở nồng độ thấp có thật sự hạn chế hiện tượng đảo ngược, mới đây nghiên cứu của Shifei và cộng sự đã so sánh hai nhóm đối tượng trong vòng 2 năm, nhóm 1 sử dụng atropin 0.01% trong năm đầu và dừng ở năm thứ  2, nhóm còn lại năm đầu tiên sử dụng giả dược và sử dụng atropin 0.01% ở năm thứ 2. Sau 2 năm tốc độ tăng độ của hai nhóm gần như không có chênh lệch (nhóm 1: −1,26 ± 0,66D, nhóm 2: −1,25 ± 0,70D) từ đó các tác giả kết luận không có hiệu ứng đảo ngược sau khi dừng atropin 0.01% trên trẻ. 

Dung-atropin-trong-kiem-soat-can-thi

Dừng atropin trong kiểm soát cận thị

BẢN TÓM TẮT:

Tiến triển cận thị sau khi ngừng điều trị bằng thuốc nhỏ mắt atropine liều thấp

Shifei Wei, Shi-Ming Li, Wenzai An, Jialing Du, Xintong Liang, Yunyun Sun, Jiahe Gan, Weiling Bai, Jiaxin Tian, Zhining Cai, Lei Yin, Ningli Wang

MỤC TIÊU:

Đánh giá tiến triển cận thị sau khi ngừng điều trị bằng thuốc atropine 0.01% trong 2 năm. 

ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU:

Nghiên cứu ngẫu nhiên có nhóm chứng, sử dụng phương pháp làm mù đôi có sử dụng giả dược theo thiết kế nghiên cứu bắt chéo. 220 trẻ em Trung Quốc độ tuổi từ 6-12 có độ cận (quy đổi cầu tương đương) từ -1.00D đến -6.00D ở cả hai mắt được chọn và tham gia giai đoạn 1 của nghiên cứu: chia làm 2 nhóm: một nhóm sử dụng atropine 0.01% và một nhóm sử dụng giả dược. Sau 1 năm theo dõi, hai nhóm sẽ được trao đổi chéo về thuốc đang sử dụng và được đặt tên lần lượt là: nhóm atropine- giả dược và nhóm giả dược- atropine. Sau 2 năm, tất cả trẻ em tham gia nghiên cứu đều được đánh giá lại tật khúc xạ sau liệt điều tiết và độ dài trục nhãn cầu trong 6 tháng; chỉ lấy kết quả từ mắt phải để phân tích kết quả. 

KẾT QUẢ:

133 trẻ đã hoàn thành 2 năm theo dõi. Trong năm đầu tiên, tiến triển cận thị trung bình ở nhóm atropine-giả dược chậm hơn 0,21 ± 0,08 D so với nhóm dùng giả dược-atropine. Sau khi điều trị chéo, tiến triển cận thị trung bình ở nhóm atropine-giả dược nhanh hơn 0,22 ± 0,07D so với nhóm giả dược-atropine trong năm thứ hai. Trong 2 năm, mức độ tiến triển cận thị trung bình là −1,26 ± 0,66D  nhóm dùng atropine-giả dược  và −1,25 ± 0,70D ở nhóm giả dược-atropine ( p  = 0,954).

KẾT LUẬN:

Sự khác biệt về tiến triển cận thị giữa nhóm atropine-giả dược và nhóm giả dược-atropine ở giai đoạn 1 tương tự như giai đoạn 2 trong quá trình điều trị chéo. Thông qua thử nghiệm chéo của chúng tôi, kết quả cho thấy không có hiệu ứng đảo ngược sau khi sử dụng thuốc nhỏ mắt atropine 0,01% trong ngăn ngừa tiến triển của cận thị.