Cách đọc độ cận và các chỉ số trên phiếu khám mắt

Cách đọc độ cận hay xem độ cận trên giấy khám mắt có khó không? Chỉ với một vài hướng dẫn dưới dẫn dưới đây, FSEC tin rằng những ký hiệu trên phiếu đo mắt sẽ không còn làm khó được bạn! 

Phân biệt các loại phiếu khám mắt

Phiếu khám mắt còn được biết đến là toa/đơn kính thuốc, là kết quả của quá trình đo thị lực – kiểm tra độ xa mắt có thể nhìn thấy và các thông tin  về các vấn đề liên quan đến tật khúc xạ mà bạn đang gặp phải như: Cận thị, viễn thị, loạn thị… 

Từ các thông số này, chúng ta có thể hiểu rõ và đưa ra những đánh đánh giá về tình trạng mắt của mình.

Hiểu đơn giản hơn, thông qua phiếu khám mắt chúng ta có thể biết được rằng chúng ta đang bị cận thị, viễn thị hay loạn thị… bao nhiêu độ.

Có 3 loại phiếu khám thường gặp khi đi khám mắt, bạn có thể tự đọc độ cận của mình khi đã biết cách đọc độ cận của 3 loại phiếu kết quả này:

  • Phiếu chụp khúc xạ tự động
  • Phiếu kết quả trên một đơn kính
  • Phiếu kết quả khám mắt
Cach-doc-do-can-tren-giay

3 loại phiếu khám mắt thường gặp

Trong đó:

  • Phiếu chụp khúc xạ tự động: Là phiếu kết quả in nhiệt, kết quả đo của máy chụp khúc xạ tự động. Đây không phải là kết quả cuối cùng vì sau khi chụp xong bước này, bác sĩ hay chuyên gia sẽ cần khám thêm rồi tinh chỉnh để ra độ cận chính xác hơn.
    Thông thường, bố mẹ sẽ nhận được tờ phiếu này đi kèm với những tờ kết quả khám mắt khác. 
  • Phiếu khám mắt: Là kết quả khám mắt quan trọng cần phải có sau mỗi lần khám mắt. Tùy mỗi nơi mà tờ phiếu khám mắt sẽ có một thiết kế riêng. Tuy nhiên điểm chung là đều phải có thông tin kết quả sau khám.
  • Đơn kính: Đây là phiếu kết quả khám mắt mà sau khi bố mẹ cho con đi khám mắt ở 1 tiệm kính mắt thường nhận được.

Giải nghĩa các chỉ số trên phiếu khám mắt

Dưới đây là bảng giải nghĩa từng chỉ số khi đọc độ cận trên giấy trên 3 loại phiếu khám đã được nhắc đến ở trên:

R/Right/OD Mắt phải của bạn
L/Left/OS Mắt trái của bạn
SPH (Độ cầu của mắt/ Số độ cận, viễn) Độ cận hoặc độ viễn thị của bạn

 (Viễn thị dấu + , cận thị dấu -)

CYL (Độ loạn thị) Độ loạn thị 

(Độ loạn cận là dấu – ,  độ loạn viễn là dấu +, thường dấu – sẽ được dùng)

AX(Axis) Trục của độ loạn, chỉ khi bạn bị loạn thị mới thấy xuất hiện chỉ số này trong đơn kính 
ADD Đây là độ đọc sách hoặc độ nhìn gần ( thường có trên đơn kính 2 tròng hoặc cho người lớn tuổi )
KCDT/PD (Khoảng cách đồng tử/Pupil distance ) Một chỉ số quan trọng để cắt kính. Cắt kính cần phải có 2 chỉ số này để tâm kính được cắt đúng vị trí tâm mắt.
VA (Visual acuity) Thị lực xa (Ví dụ: 2/10, 7/10 hoặc 20/30 hoặc 6/9…)

Cách đọc độ cận trên giấy

Để bạn có thể tự xem độ cận trên giấy 1 cách dễ dàng, FSEC hướng dẫn bạn cách đọc độ cận qua 3 ví dụ cụ thể dưới đây:

Đọc độ cận từ phiếu chụp khúc xạ tự động

Cach-doc-do-can-tren-giay-chup-khuc-xa-tu-dong

Ảnh FSEC: Cách đọc độ cận trên giấy kết quả chụp khúc xạ tự động

Từ bảng ký hiệu viết tắt trên, thì cách đọc độ cận của tờ kết quả trên như sau:

  • <R> : Mắt phải
  • SPH: Độ cận -3.25
  • Cyl: Độ loạn -2.00
  • Ax: Trục loạn 175

Cách đọc: Cận -3.25, loạn -2.00, trục 175

  • <L>: Độ mắt trái 
  • SPH: Độ cận -0.75
  • Cyl: Độ loạn -3.00
  • Ax: Trục loạn 0 (hay 180)

Cách đọc: Cận -0.75, loạn -3.00, trục 0 (hay 180)

  • PD: Khoảng cách đồng tử là 61 mm

*Lưu ý rằng số độ chụp tự động trên không quyết định chính xác số độ của bạn, bác sĩ hoặc chuyên gia sẽ dựa vào kết quả chụp này để tham khảo và tinh chỉnh ở các bước tiếp theo. Sự tinh chỉnh qua các bước khám sau sẽ cho kết quả khúc xạ – Độ cận, viễn, loạn chính xác hơn.

Cách đọc độ cận trên 1 đơn kính

 

Cach-doc-do-can-tren-1-don-kinh-pho-bien

Cách đọc độ cận trên 1 đơn kính phổ biến

Ở đây, chúng ta có thể xem độ cận trên giấy như sau:

  • Mắt phải: Thị lực không kính là đếm ngón tay 4m, Cận -1.75 loạn -1.00 trục 180, thị lực có kính 20/25(tương đương 8/10)
  • Mắt trái: Thị lực không kính là đếm ngón tay 4m, Cận -2.00 loạn -1.00 trục 5, thị lực có kính 20/20(tương đương 10/10)
  • Khoảng cách đồng tử: Không có

Cách đọc độ cận trên phiếu khám mắt

Phiếu đo khám từ các bác sĩ, chuyên gia Nhãn khoa

Như đã nêu trên, Kỹ thuật viên (KTV) khúc xạ sẽ dựa vào kết quả của máy đo mắt tự động để thực hiện những bước đo khúc xạ tiếp theo vì đôi khi các số đo bằng máy sẽ có nhiều sai lệch do chủ yếu từ hệ điều tiết của mắt.

Có 2 bước đo khúc xạ mà các KTV hay làm để điều chỉnh tật khúc xạ là phương pháp đo khúc xạ khách quan và khúc xạ chủ quan:

  • Khúc xạ khách quan: là phương pháp sử dụng dụng cụ soi bóng đồng tử mắt để đánh giá tương đối mức độ của tật khúc xạ gặp phải. Phương pháp này thường áp dụng đối với các bệnh nhân nhỏ tuổi khó hợp tác trong quy trình đo chủ quan.
  • Khúc xạ chủ quan: là phương pháp dựa vào các bước hoặc quy trình đo khám khúc xạ khách quan trước đó hoặc tham khảo từ kết quả của máy chụp khúc xạ tự mà chuyên viên Khúc xạ có thể tinh chỉnh ra con số chính xác nhất của tật khúc xạ mà bệnh nhân đang mắc phải. 

*Một lưu ý nhỏ: Kết quả khám 2 phương pháp trên chủ yếu đều áp dụng cho việc cắt kính gọng. Đối với kính áp tròng thì cần chuyên gia quy đổi độ trước khi mua nhé,không nên tự ý mua kính áp tròng theo đơn kính này.

Một số phiếu chụp có thêm thông số độ cong giác mạc dùng để sử dụng trong quá trình thử kính Ortho-K.

Sau khi trải qua các bước khám mắt, đơn kính của bệnh nhân thường sẽ có các thông tin như hình dưới đây:

Phieu-kham-mat-tai-fsec

Ảnh FSEC: Phiếu khám mắt

Tờ kết quả trên cho ta các thông số, cách đọc độ cận như sau:

  • MP: Độ cầu(Cận thị) -2.50, độ loạn -1.50, trục loạn là  20 và thị lực 12.6/10
  • MT: Độ cầu(Cận thị) -0.25, độ loạn -2.50, trục loạn là 165 và thị lực là 12.6/10

FSEC thì sau nhiều lần cân nhắc và chỉnh sửa đã cho ra 1 tờ kết quả được ghi rất dễ hiểu như trên, hạn chế các ký hiệu hay từ chuyên ngành. Từ đó, việc đọc độ cận của mình trên phiếu khám cũng dễ dàng hơn.

Cách đọc độ cận trên phiếu khám mắt có kính 2 tròng

Ở 1 số bé đã thay thể thuỷ tinh hoặc cần kiểm soát cận thị bằng kính 2 tròng thì sẽ nhận được đơn kính này.

Cach-doc-do-can-tren-don-kinh-2-trong

Ảnh FSEC: Cách đọc độ cận trên đơn kính 2 tròng

Ở đơn kính này thì chúng ta có thể đọc như sau:
Mắt phải: Cận -4.25, không có độ loạn, thị lực 10/10

Mắt trái: Cận -4.25, không có độ loạn, thị lực 10/10

Add (Độ nhìn gần): +2.00

*Lưu ý: Nếu bạn đi đo khám mắt ở bệnh viện hay phòng khám mắt thì thường bạn sẽ trải qua 2 lần khám mắt. Trước hết là chụp máy đo khúc xạ tự động, sau đó bạn sẽ được khám với kỹ thuật viên và có phiếu khám mắt cuối cùng ghi lại các thông số cận thị hoặc viễn thị của bạn trên đó để đi cắt kính.

Một vài cửa hàng kính có thể chỉ áp dụng trực tiếp các thông số từ máy chụp khúc xạ tự động, cho đeo kính thử nên đôi khi sẽ bị đeo kính quá số. Vậy nên, việc chọn khám mắt tại 1 nơi có chuyên môn, hay 1 cơ sở khám mắt uy tín là rất quan trọng.

Dù vậy, chúng ta cũng không thể đánh giá chủ quan rằng kết quả đo mắt chuẩn hay không vì phụ thuộc nhiều yếu tố khác nhau.

Thời hạn của 1 phiếu khám mắt là bao lâu?

Đối với trẻ em, độ khúc xạ – đặc biệt là cận thị có thể thay đổi rất nhanh nên bố mẹ cần cho con đi khám định kỳ 3-6 tháng 1 lần.

Người lớn từ sau 18 tuổi có sự ổn định hơn về tật khúc xạ nên thường thời gian khám mắt định kỳ lâu hơn, từ 6 tháng đến 1 năm.

Vì vậy, thời hạn của 1 phiếu khám mắt sẽ có tác dụng tốt nhất là từ 3-6 tháng đối với trẻ em và 6-12 tháng đối với người lớn. 

Tuy nhiên, sau mỗi lần khám mắt các bác sĩ sẽ hẹn lịch tái khám phù hợp với tình trạng của mỗi người, và phòng khám sẽ nhắc lịch tái khám trước 1 vài ngày để tiện cho việc sắp xếp lịch đi khám.

Khi nào cần đi khám?

Khi có triệu chứng bất thường

Khi thấy trẻ có các triệu chứng bất thường sau thì bố mẹ nên cho con đi khám sớm nhất có thể:

  • Nheo mắt khi nhìn xa, gần, kêu nhìn lên bảng không rõ
  • Tiến sát đến để nhìn
  • Nghiêng đầu
  • Nháy mắt
  • Dụi mắt…

Khám mắt định kỳ

Ngay cả không có các triệu chứng như trên thì việc đi khám định kỳ là rất quan trọng để sàng lọc và sớm phát hiện bất thường vì nếu chỉ bất thường ở 1 mắt thì thường không có biểu hiện rõ ràng.

Thời gian 3-6 tháng khám mắt 1 lần là thời điểm phù hợp, không quá gần cũng không quá xa để phát hiện sự thay đổi của mắt.

Việc tự đọc độ cận trên giấy khám có thể giúp các bố, mẹ hiểu rõ hơn và nắm được tình trạng sức khoẻ mắt của con, tốc độ phát triển tật khúc xạ. Từ đó mà có góc nhìn hữu ích hơn trong việc cho con đi khám mắt định kỳ.

Nếu bạn chưa tự tin về cách đọc độ cận, hãy gửi ảnh đến Zalo của  FSEC  nhé! Các chuyên gia tại đây sẽ giúp bạn xem độ cận trên giấy phân tích rõ hơn về phiếu khám mắt của mình hoặc bé cũng như tư vấn thêm các vấn đề khác liên quan đến sức khoẻ mắt.